Lịch sử Lò_thổi

Quy trình oxy kiềm đã phát triển bên ngoài môi trường "sắt thép quy mô lớn" truyền thống. Nó được phát triển và tinh chỉnh chỉ bởi một cá nhân là kỹ sư người Thụy Sĩ Robert Durrer và được hai công ty sắt thép nhỏ thương mại hóa tại Áo trong thời gian Đồng Minh chiếm đóng, khi đó vẫn chưa phục hồi từ hậu quả tàn phá của Thế chiến II.[6]

Năm 1856, Henry Bessemer đăng ký bằng sáng chế quy trình sản xuất thép trong đó bao gồm thổi oxy để khử cacbon trong gang nóng chảy (Bằng sáng chế số 2207 của Vương quốc Liên hiệp Anh). Trong gần 100 năm sau đó thì lượng oxy quy mô thương mại hoặc là không sẵn có hoặc là quá đắt đỏ, và vì thế phát minh này vẫn không được sử dụng. Trong Thế chiến II, các kỹ sư người Đức (Karl Valerian Schwarz), Bỉ (John Miles) và Thụy Sĩ (Durrer và Heinrich Heilbrugge) đã đề xuất các phiên bản sản xuất thép bằng thổi oxy của họ, nhưng chỉ có Durrer và Heilbrugge là chuyển được ý tưởng thành sản xuất quy mô lớn.[6]

Năm 1943, Durrer, cựu giáo sư tại Viện Công nghệ Berlin, trở lại Thụy Sĩ và chấp nhận một ghế trong ban lãnh đạo của Roll AG, công ty sản xuất thép lớn nhất nước này khi đó. Năm 1947 ông mua lò chuyển thực nghiệm nhỏ đầu tiên công suất 2,5 tấn từ Hoa Kỳ, và ngày 3 tháng 4 năm 1948 lò chuyển mới này đã sản xuất mẻ thép đầu tiên của nó.[6] Quy trình mới có thể thuận lợi chế biến một lượng lớn kim loại phế liệu với chỉ một lượng nhỏ kim loại nguyên khai.[7] Mùa hè năm 1948 Roll AG và hai công ty thuộc sở hữu của nhà nước Áo là VOEST và ÖAMG đã thỏa thuận thương mại hóa quy trình Durrer.[7]

Tháng 6 năm 1949, VOEST đã phát triển một quy trình mô phỏng quy trình của Durrer, được biết đến như là quy trình LD (Linz-Donawitz).[8][9] Tháng 12 năm 1949, VOEST và ÖAMG cam kết xây dựng các lò chuyển oxy 30 tấn đầu tiên của họ.[9] Chúng được đưa vào vận hành trong tháng 11 năm 1952 (VOEST tại Linz) và tháng 5 năm 1953 (ÖAMG tại Donawitz)[9] và nhất thời trở thành mũi nhọn trong sản xuất thép thế giới, làm dấy lên phong trào nghiên cứu liên quan tới thép.[10] Năm 1963 có tới 34.000 doanh nhân và kỹ sư đã tới tham quan lò chuyển của VOEST.[10] Quy trình LD giảm thời gian chế biến và chi phí vốn trên mỗi tấn thép, góp phần vào ưu thế cạnh tranh của thép Áo.[8] VOEST cuối cùng đã giành được quyền tiếp thị công nghệ mới.[9] Các sai sót trong quản lý của VOEST và ÖAMG trong việc cấp phép công nghệ của họ đã làm cho việc kiểm soát sự mô phỏng nó tại Nhật Bản trở thành không thể. Vào cuối thập niên 1950, các công ty Áo này đã đánh mất ưu thế cạnh tranh của họ.[8]

Trong quy trình LD nguyên bản thì oxy được thổi trên bề mặt gang lỏng bằng vòi phun được làm mát bằng nước của một mũi cắt thẳng đứng. Trong thập niên 1960, các nhà sản xuất thép đã giới thiệu lò chuyển thổi đáy và đưa ra kỹ thuật thổi khí trơ để khuấy trộn kim loại lỏng và loại bỏ tạp chất phosphor.[3]

Tại Liên Xô, một số sản xuất thép thực nghiệm bằng công nghệ này đã được thực hiện từ năm 1934, nhưng sử dụng công nghiệp đã bị cản trở do thiếu công nghệ có hiệu quả để sản xuất oxy lỏng. Năm 1939, nhà vật lý người Nga là Pyotr Kapitsa đã hoàn thiện thiết kế của tua bin giãn nở ly tâm. Quy trình này được đưa vào sử dụng khoảng năm 1942-1944. Phần lớn các tuua bin giãn nở sử dụng trong công nghiệp kể từ đó là dựa theo thiết kế của Kapitsa và các tua bin giãn nở ly tâm đã chiếm lĩnh gần như 100% sản xuất khí hóa lỏng quy mô công nghiệp, và cụ thể là trong sản xuất oxy lỏng cho sản xuất thép.[11]

Các nhà sản xuất thép lớn tại Mỹ là những người chấp nhận muộn đối với công nghệ mới này. Các lò chuyển oxy đầu tiên tại Hoa Kỳ được McLouth Steel đưa vào vận hành vào cuối năm 1954 tại Trenton, Michigan, chỉ chiếm chưa tới 1% thị trường thép quốc gia Hoa Kỳ.[3] U.S. SteelBethlehem Steel chỉ sử dụng quy trình oxy từ năm 1964.[3] Vào năm 1970, một nửa lượng thép thế giới và 80% lượng thép của Nhật Bản được sản xuất bằng các lò chuyển oxy.[3] Vào hai thập niên cuối của thế kỷ 20, sử dụng lò chuyển oxy kiềm để sản xuất thép đã dần dần bị thay thế phần nào bằng lò hồ quang điện (EAF) sử dụng thép phế liệu và gang. Tuy nhiên, tỷ phần của quy trình lò hồ quang điện năm 2019 mới chỉ đạt 27,7% và tỷ phần của quy trình LD tại châu Á (trừ Trung Đông) là 81,6%, tại Australia và New Zealand là 76,2%, tại Trung và Nam Mỹ là 66,1%, tại CIS là 64,5%, tại Liên minh châu Âu (gồm cả Anh) là 59,1%, tại khu vực NAFTA là 32,4%, tại châu Phi là 23,5% và tại Trung Đông là 5,5%.[4]